TTO - Không vì bị câm điếc bẩm sinh mà Trần Quốc Đạt (23 tuổi, ngụ phường An Hòa, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chấp nhận sự an bài của số phận.
Bằng nhiều nỗ lực, Đạt đã thực hiện được ước muốn là mở một phòng tranh của riêng mình.
"Tôi mở phòng tranh không phải vì riêng cá nhân mình. Tôi mở phòng tranh này để những bạn khuyết tật như tôi biết rằng họ không phải là gánh nặng trong xã hội. Người khuyết tật nếu biết cố gắng có thể làm mọi điều mà người bình thường có thể làm" - Đạt viết.
Vui buồn qua nét vẽ
Lần đầu đặt chân đến với phòng tranh của Đạt, chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ bởi nét tinh tế, sự khéo léo được thể hiện qua những bức tranh sống động treo ngay ngắn trên tường. Trong không gian nhỏ chừng 15m2 là hơn 30 bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh, tĩnh vật...
Căn phòng nhỏ nằm nép mình bên công viên Sa Đéc như bừng sáng bởi những gam màu từ bàn tay và khối óc sáng tạo của chàng trai khiếm thính.
Trong cuộc trò chuyện được viết và trả lời trên giấy với sự phiên dịch của bà Đỗ Thị Liên - mẹ Đạt, chúng tôi không khỏi khâm phục trước nghị lực phi thường của Đạt. Bị câm điếc bẩm sinh, Đạt cùng gia đình rời Thanh Hóa vào Đồng Tháp sinh sống để thuận tiện cho em theo học tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp.
Hơn 15 năm theo học tại ngôi trường này, Đạt luôn đạt thành tích xuất sắc, đứng đầu trong các hoạt động của trường, lớp và nhiều lần được ban giám hiệu nhà trường cũng như UBND TP Sa Đéc tặng giấy khen. Trong những lần tham gia các cuộc thi vẽ tranh dành cho người khuyết tật, lần nào Đạt cũng "ẵm" giải...
Đạt thể hiện năng khiếu mỹ thuật từ nhỏ, khi mới 6 tuổi đã có thể mày mò vẽ lại con chó, con mèo hoặc chân dung các thành viên trong gia đình. Lớn lên, Đạt dành mọi sức lực và đam mê cho việc vẽ tranh. Hạn chế về giao tiếp, Đạt xem việc vẽ tranh như công cụ để truyền tải những thông điệp vui buồn của mình trong cuộc sống.
Trong các thể loại tranh thì Đạt đặc biệt thích vẽ tranh quê hương, phong cảnh. Khi được hỏi lý do thích thể loại tranh này, Đạt viết: "Tôi thích những điều gần gũi, thích vẽ những gam màu tươi sáng để thấy cuộc đời mình cũng tươi sáng".
Sống có ích
Hiện ngoài việc vẽ tranh theo đơn đặt hàng của khách hàng, Đạt còn nhận vẽ tranh tường cho các quán cà phê, quán nước cũng như vẽ tranh tường trong phòng ngủ các hộ gia đình. Thu nhập từ công việc này tuy không lớn, nhưng có thể giúp Đạt trang trải cuộc sống cũng như duy trì hoạt động của phòng tranh.
Đồng Tháp không có trường dạy cấp III cho học sinh khuyết tật như Đạt, do đó nếu muốn tiếp tục theo đuổi việc học thì Đạt phải lên Sài Gòn. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Đạt quyết định dừng việc học để có thể chuyên tâm vào việc vẽ tranh.
"Tám năm theo học cấp III và đại học đối với tôi là quãng thời gian quá dài. Thay vì đi học, tôi sẽ dùng nó vẽ thêm nhiều tranh, truyền thụ kiến thức của mình cho nhiều em học sinh khuyết tật khác. Dù vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức và vốn sống từ thực tế công việc" - Đạt viết.
Sau khi hoàn thành chương trình học, Đạt đang trực tiếp đứng lớp dạy kỹ năng mỹ thuật cho những học sinh khuyết tật khác trong trường. "Tôi chỉ đang góp một phần nhỏ của mình để giúp đỡ các em. Đó cũng là cách tôi trả ơn những thầy cô đã nuôi dạy tôi nên người" - Đạt viết.
Hiện tranh của Đạt đã được nhiều người biết đến hơn qua sự giới thiệu của bạn bè. Có những khách hàng ở Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang tìm đến đặt Đạt vẽ tranh. Đạt dự định dời phòng tranh sang địa điểm đông đúc hơn để được nhiều người biết đến.
"Tôi muốn có một phòng tranh lớn hơn để có thể tạo thêm nhiều việc làm cho các bạn khuyết tật giống mình. Với tôi, người khuyết tật có thể sống hữu ích cho xã hội miễn là họ muốn" - Đạt viết.
Nói về học trò của mình, cô hiệu phó Lâm Thị Thu Vân cho rằng: "Đạt là một tấm gương đầy nghị lực cho học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp noi theo".
Hiện đang online :34
Hôm nay : 149
Trong tuần : 4129
Trong tháng : 15088
Tổng truy cập : 2930432
|
|