Gồng mình lên để sống
11-01-2018 | 09:27 GMT+7

(NLĐO)-Chính trong lúc khốn quẫn nhất của cuộc sống, hình ảnh 2 đứa con xấu số hiện lên trước mắt Hoàng Văn Tướng, động viên anh vượt qua mọi nỗi đau để trở thành một tấm gương người khuyết tật tiêu biểu

Tôi gặp Hoàng Văn Tướng (người dân tộc Tày) lần đầu tại cuộc tọa đàm kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4-2017) do Hội Người khuyết tật huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) tổ chức. Hôm ấy, Tướng được giới thiệu lên phát biểu với tư cách là một hội viên điển hình về vượt khó làm kinh tế giỏi. Thay vì nhờ người khiêng xe lăn lên sân khấu, Tướng tự lăn xe về phía trước cử tọa. 

Đừng trông chờ, ỷ lại

Câu đầu tiên Tướng đã gây sự chú ý của tôi bằng lối nói rất mộc mạc, khiêm tốn: "Thưa tất cả mọi người có mặt tại đây! Thực ra, tôi cũng chưa phải là người làm kinh tế giỏi lắm đâu. Những cái mà tôi làm được mới chỉ là thành quả bước đầu thôi. Tôi cũng giống như mọi người khuyết tật khác, đều phải gồng mình lên để sống. Và tôi luôn tự động viên mình là tàn tật nhưng quyết không vô dụng, phải tự thân vận động là chính chứ đừng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác nhiều quá".

Gồng mình lên để sống - Ảnh 1.

Vợ chồng Hoàng Văn Tướng luôn hạnh phúc bên nhau

Trong hội trường hôm ấy, hàng trăm người dự thỉnh thoảng lại ồ lên khi nghe Tướng kể về những việc đã làm. Lời phát biểu của anh nghe cứ như tâm sự. Ai cũng xuýt xoa, cảm phục ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên của Tướng và nhìn anh đầy ngưỡng mộ.

Sau buổi tọa đàm, tôi tìm về nhà Tướng để tìm hiểu thêm về anh. Nhà Tướng ở dưới chân ngọn núi Ngàm Điểm, thuộc thôn Nậm Đăm, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên. Ngôi nhà mới xây khá khang trang, sơn màu xanh tươi mới. Nhìn vào ngôi nhà, khó tin chủ nhân của nó lại là một người từ nhiều năm qua phải ngồi trên xe lăn. Gặp chúng tôi, người dân trong thôn bày tỏ cảm phục ý chí vượt khó vươn lên của Tướng, coi Tướng là tấm gương sáng "không chịu đầu hàng số phận" trong cộng đồng những người khuyết tật, bởi anh biết vượt qua bao nỗi bất hạnh với ý chí phi thường. Có người còn kể cho chúng tôi nghe câu cửa miệng mà Tướng thường nói như một sự tự nhắc nhở mình: "Gồng mình lên để sống".

Trong ngôi nhà mới xây, tôi được nghe những tâm sự đắng lòng của Tướng về quãng đời đầy khổ hạnh của anh.

Gồng mình lên để sống - Ảnh 2.

Ngôi nhà mới của vợ chồng anh Hoàng Văn Tướng

Sinh năm 1978, trong gia đình nông dân có 6 anh chị em. Học hết lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trường ở xa nên Tướng đành bỏ dở ước mơ học tiếp lên cao. Năm 1996, Tướng đi bộ đội rồi 3 năm sau ra quân với thành tích là 2 bằng khen của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang. Đầu năm 2001, Tướng xây dựng gia đình. Cuối năm ấy, vợ Tướng sinh đứa con gái đầu lòng trong niềm vui vỡ òa.

Nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì bất hạnh ập đến. Đứa con gái ốm đau quặt quẹo liên tục, phải chạy chữa khắp các bệnh viện từ huyện, tỉnh đến trung ương nhưng vẫn không cứu được. Cháu bỏ cha mẹ ra đi khi mới 2 tuổi. Năm 2004, vợ Tướng sinh con gái thứ hai. Cũng giống chị, đứa em cứ ốm đau quặt quẹo suốt. Vợ chồng anh lại khăn gói đưa con đi chạy chữa khắp các bệnh viện xa gần. Con chưa khỏi thì lại thêm nỗi bất hạnh khủng khiếp ập xuống, Tướng bị tai nạn xe máy gãy xương sống, liệt hai chân. Lúc này, Tướng và gia đình tưởng như không thể trụ nổi trước giông bão của cuộc đời. Lê Thị Huyền - vợ Tướng - lo chữa trị cho chồng lẫn con ròng rã hơn năm trời. Cũng may được gia đình và bà con lối xóm giúp đỡ, động viên, chia sẻ.

Nhưng đứa con thứ hai cũng bỏ vợ chồng Tướng mà đi khi mới 8 tháng tuổi.

Chính trong lúc khốn quẫn nhất ấy, hình ảnh những đứa con xấu số hiện lên trước mắt Tướng, động viên anh hãy vượt qua mọi nỗi đau, gồng mình lên để sống. Bên tai Tướng luôn vọng lên những câu nói từ cõi xa xăm: "Phải sống. Dù sao cũng vẫn phải sống!", "tàn tật nhưng không vô dụng", "không được đầu hàng số phận". Và rồi mọi nỗi đau dần vơi. Thời gian là phương thuốc hữu hiệu giúp vợ chồng Tướng hồi tâm. Họ bắt tay vào khôi phục kinh tế gia đình trong sự thương yêu đùm bọc, chia sẻ, động viên của gia đình, làng xóm, anh em, bạn bè cùng nỗ lực của bản thân. Dần dà, vợ chồng Tướng tích lũy được một số vốn từ rất nhiều công việc khác nhau: làm thợ xây, buôn trâu, chăn nuôi heo, gà, trồng 2 ha rừng xoan, mổ heo bán, làm nghề rèn, bán bánh rán rồi nước giải khát… Tướng làm tất cả những việc gì mà pháp luật không cấm để có thể kiếm tiền.

Tấm gương vượt qua số phận

Khi nghe tôi hỏi: "Phải ngồi xe lăn thế này thì em làm gì để sống?", Tướng bảo: "Khi bị tai nạn liệt chân, em nghĩ ngợi nhiều lắm anh ạ. Ai bị tật nguyền cũng khổ cả, nhưng số phận mình thế thì phải chấp nhận thôi. Cũng may là trước khi gặp nạn em từng làm nhiều việc khác nhau nên có ít nhiều kinh nghiệm. Không còn đôi chân để làm những việc cần đến sức vóc, em đành chuyển hướng làm ăn, chung vốn với bạn làm nghề mổ heo. Hằng ngày, bạn em tìm mua heo về mổ thịt, chia cho em một nửa để bán. Tiếp đó, em vay thêm vốn ngân hàng đầu tư vào chăn nuôi trâu theo hình thức nuôi giẽ. Em nghĩ nuôi trâu là phù hợp với sức khỏe của mình. Hiện gia đình em có 7 con trâu, cho các gia đình khó khăn trong thôn nuôi giẽ 4 con và đều đã sinh nghé, cứ 2 nghé đẻ ra thì em được một con. Lúc nào rỗi thì em buôn trâu. Em dùng điện thoại kết nối với những người cần bán, cần mua rồi nhờ người chở bằng xe máy đưa đi xem trâu, được giá thì bán, thuận giá thì mua. Vợ em đảm nhiệm việc cấy lúa, trồng rau kết hợp chăn nuôi. Hai vợ chồng cứ tích cóp dần dần, ăn tiêu dè xẻn cũng có chút vốn tích lũy anh ạ".

Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Vị Xuyên, kể với tôi: "Ở hội, Tướng luôn là tấm gương vượt qua số phận vươn lên làm kinh tế giỏi. Chả cứ gì người khuyết tật, cả những người lành lặn cũng nể phục Tướng. Tuy tàn tật nhưng Tướng luôn đi đầu trong việc thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mấy năm nay, chú ấy là một trong những người đi đầu ở xã tham gia phương án trồng chanh leo của huyện".

Khi tôi hỏi việc này, Tướng bảo: "Năm 2014, khi huyện có phương án trồng chanh leo, vợ chồng em tham gia với 1,5 ha gồm 5 khu vườn, đầu tư 75 triệu đồng. Nhưng số tiền ấy không đủ, em phải bù thêm khoảng 30 triệu để đổ cột bê tông, làm giàn sắt và thuê người chăm sóc. Kết quả, năm đầu thu hơn 2 tấn quả, bán ra thị trường với giá 7.000 đồng/kg. Nhưng thật buồn, ngay năm thứ hai chanh leo nhiễm bệnh, quả nhỏ, sần sùi, năng suất thấp và mẫu mã xấu, rất khó bán, tính ra lỗ nặng! Hiện có 6 hộ trong thôn tham gia phương án này thì đã có 4 hộ phá bỏ. Em có diện tích nhiều nhất nên vẫn cố duy trì, chờ ban quản lý huyện vào kiểm tra, nắm tình hình cụ thể và cho hướng giải quyết".

"Nếu huyện đồng ý cho phá bỏ chanh leo thì em chuyển đổi loại cây trồng gì?". Nghe tôi hỏi thế, Tướng bảo: "Em sẽ trồng cỏ nuôi trâu, bò. Em nghĩ với hoàn cảnh của em bây giờ, chỉ có chăn nuôi trâu, bò là phù hợp và hiệu quả nhất".

Gồng mình lên để sống - Ảnh 3.

Anh Hoàng Văn Tướng báo cáo thành tích trước các hội viên Hội Người khuyết tật huyện Vị Xuyên

Tôi ngỏ ý muốn đi thăm mô hình chanh leo, Tướng gọi người em trai tên là Tân dẫn tôi đi. Nhìn những vườn chanh cằn cỗi, tôi không khỏi chạnh lòng và thấy tiếc cho một mô hình đã đầu tư không ít tiền của. Tân bảo: "Năm đầu tiên chanh leo lên rất tốt, nhiều quả và quả đẹp khiến ai cũng mừng, chẳng hiểu sao từ năm thứ hai trở đi, cứ cằn cỗi rồi lụi dần, quả ít lại xù xì và rất nhỏ".

Trước khi chia tay, tôi định hỏi vợ chồng Tướng đến bao giờ thì lại sinh con nhưng sợ họ buồn nên nói sang chuyện khác: "Em phải ngồi xe lăn mà làm được nhà to nhỉ. Nể thật đấy!". Tướng bảo: "Cũng phải vay mượn thêm đấy anh ạ. Nhưng có được ngôi nhà vững chắc, chúng em yên tâm để làm ăn".

Bài và ảnh: Khánh An


Tin liên quan
Đăng nhập
Đăng ký tài khoản tại đây
Việc làm người khuyết tật

Thống kê số lượng tin tuyển dụng

Bảo vệ, vệ sĩ 6
Biên / phiên dịch 7
Điện - điện tử 43
Du lịch / Nhà hàng - khách sạn 18
Giáo dục - đào tạo 5
Hành chính nhân sự 160
Kinh tế 174
Lao động phổ thông 249
May mặc / Giày da 106
Máy tính / CNTT 257
Ngành khác 192
Nghệ thuật 6
Phục vụ, tạp vụ, giúp việc 20
Quảng cáo / Marketing 20
Tài xế , lái xe / Giao nhận 7
Thời vụ / bán thời gian 44
Thực phẩm / dịch vụ ăn uống 27
Tiếp thị / Truyền thông 134
Xây dựng 6
Xây Dựng / Bất động sản 5
Y tế 5

Thống kê truy cập

Hiện đang online :384
Hôm nay : 115
Trong tuần : 1799
Trong tháng : 15240
Tổng truy cập : 2982519


Mạnh thường quân

THÔNG TIN TÀI KHOẢN TIẾP NHẬN HỖ TRỢ
Số Tài Khoản:
0021 1000 0835 9002
Tại NH TMCP Phương Đông
CN TP.HCM - PGD Tú Xương

Công ty Cổ phần Quốc tế Viễn Tín 392 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 2.000.000 đồng

Công ty TNHH Bon La Mode 153B Hoàng Sa,phường Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 5.000.000 đồng cho Ngày hội việc làm năm 2017

Cơ sở Hoàng Hoa 193 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 20 hộp bông mai vàng và 1.000.000 đồng

Viện Máy Tính Việt Nam 178-180 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 200.000 đồng

Công ty TNHH Bảo Chi Lâm 65/22/8 đường số 5, khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 200.000 đồng


phu lieu may mac