Báo cáo tại hội thảo “Người khuyết tật - Thách thức và cơ hội việc làm” được tổ chức sáng nay 18-11 tại TPHCM, ông Lê Hữu Thương, phụ trách bộ phận việc làm của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển, cho biết hiện nay Việt Nam có trên 6 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số. Trong đó, số người khuyết tật sống tại nông thôn chiếm 75,5%. Theo số liệu thống kê năm 2010, riêng TPHCM có 44.325 người khuyết tật.
Trình độ học vấn của người khuyết tật tại Việt Nam rất thấp: 41% chỉ biết đọc biết viết; 19,5% học hết cấp một; 2,75% có trình độ trung học chuyên nghiệp hay chứng chỉ học nghề, và ít hơn 0,1% có bằng cao đẳng hoặc đại học.
Số lượng người khuyết tật đông nhưng lại có trình độ học vấn thấp dẫn đến tình trạng rất khó kiếm việc làm cho đối tượng này. Ông Thương cho biết, hiện nay mới chỉ giải quyết việc làm cho 50% số người khuyết tật trong độ tuổi lao động, chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp (trên 70%).
Thách thức với người khuyết tật đi tìm việc ngày càng lớn hơn khi tình hình kinh tế chung của thế giới ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam khiến cho việc tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp ngày càng khắt khe hơn. Đa số các doanh nghiệp khi tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải làm được việc ngay, và vì thế công cuộc tìm việc cho người khuyết tật ngày càng khó khăn hơn, ông Thương nói.
Chia sẻ tại hội thảo, chị Đoàn Ngân Hà, ở Quận Gò Vấp, TPHCM bị khiếm thính, cho biết sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TPHCM vào tháng 9-2015, chị đã tìm được công việc vẽ ở một công ty nhỏ, nhưng thời gian làm việc của Hà tới 10 tiếng/ngày mà lương lại không bằng những nhân viên bình thường khác.
Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Bích Huyền ở Quận 10, TPHCM còn éo le hơn. Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Văn Lang, chị tự đi tìm việc làm. Sau nhiều tháng tìm việc, cuối cùng chị cũng được một công ty chuyên về đồ họa nhận, nhưng Huyền chỉ làm được 5 tháng thì công ty đổi giám đốc mới, và người mới lên thay thấy chị bị khiếm thính nên không chấp nhận và chị bị cho nghỉ việc.
Đó là thực trạng mà những người khuyết tật phải đối mặt khi đi tìm cho mình một công việc để kiếm sống trên sức lao động của chính bản thân mình.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sử dụng người lao động là người khuyết tật, bà Kiều Thị Phương Dung, tư vấn nhân sự công ty Jiashin có trụ sở tại Long An, cho biết hiện nay tại công ty bà có 17 người khuyết tật làm việc trong tổng số 2.300 công nhân của công ty. Để cho người khuyết tật làm việc tốt tại công ty cần phải chuẩn bị các cơ sở vật chất như bãi xe, nhà ăn, chỗ làm việc… phù hợp với họ.
Nếu được tạo điều kiện thuận lợi, người khuyết tật cũng làm tốt công việc không thua người bình thường. Sự nhiệt tình, chăm chỉ và sự tập trung cao của người khuyết tật trong công việc là lợi thế của họ so với người bình thường, bà Dung nói. Tuy nhiên, hiện nay bài toán hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đã làm cho nhiều chủ doanh nghiệp phải đắn đó khi chấp nhận tuyển người lao động là người khuyết tật, bà Dung cho biết thêm.
Vấn đề tìm việc và trụ lại được với công việc là một thách thức rất lớn đối với những người khuyết tật khi muốn đi làm. Sự tự ti về bản thân, tâm lý gia đình không muốn con mình đi làm, định kiến của xã hội và chính sách của nhà nước là những nguyên nhân chính dẫn đến khó tìm việc cho người khuyết tật hiện nay, ông Thương của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển cho biết.
Thành Hoa
Hiện đang online :713
Hôm nay : 1272
Trong tuần : 8534
Trong tháng : 64293
Tổng truy cập : 3103974
|
|