(PLVN) - Bạn có tin rằng, người không có chân cũng có thể leo núi không? Nếu chưa tin, câu chuyện về Hugh Herr sẽ giúp bạn thêm một lần nữa tin rằng không có giới hạn cho những điều chúng ta có thể làm. Với cặp chân giả, Hugh Herr đã tự mình leo núi, thậm chí ông còn điều hành một phòng thí nghiệm chuyên sản xuất chân giả thuộc Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ.
Tai nạn không may
Sinh năm 1964 ở thành phố Lancaster, bang Pennsylvania, ông là con trai út trong một gia đình có tới 5 anh em. Từ nhỏ, Hugh Herr đã có niềm đam mê đặc biệt với môn thể thao leo núi. Một trong những yếu tố lớn tác động tới đam mê này bắt nguồn từ người cha của Hugh Herr - ông John Herr. Ông thường lái xe chở các con đi tìm kiếm những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và những ngọn núi lớn nhất và cho phép các cậu con trai của mình tự leo lên một số ngọn núi ấy.
Mới 8 tuổi, Hugh Herr đã đặt chân lên đỉnh Temple, Canada (cao 3.544m). Bước vào tuổi teen, Herr bắt đầu leo núi không dùng dây bảo hộ và không ít lần những người leo cùng ái ngại thay khi thấy hai bàn tay tứa máu của cậu. Song, bất chấp điều đó, Herr đã chinh phục vùng hiểm trở nhất của rặng núi Shawangunk Ridge ở phía nam Albany ngay trong lần thử sức đầu tiên, một điều mà chưa người nào trước đó làm được.
Năm 17 tuổi, Herr được công nhận là một trong những vận động viên leo núi giỏi nhất nước Mỹ. Không ngạc nhiên khi Herr trở nên nổi tiếng trong giới leo núi và có rất nhiều người hâm mộ.
Tuy nhiên, kỳ tích đã kết thúc tháng 1/1982. Sau khi khó khăn chinh phục đỉnh Huntington Ravine trên núi Washington ở New Hampshire, Herr cùng nhà leo núi Jeff Batzer bất ngờ bị cơn bão tuyết cực mạnh quật xuống thung lũng Vịnh Lớn. Họ mất phương hướng, bị kẹt lại tại thung lũng Great Gulf 3 ngày 3 đêm trong môi trường cực băng giá (-29 độ C).
Mặc dù mất đi đôi chân nhưng Hugh Herr vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê leo núi của mình
“Chúng tôi đã trải qua điều kiện thời tiết cực kỳ tồi tệ, gió rất mạnh, tuyết rơi dày đặc và dữ dội. Chúng tôi sống sót bằng cách ôm nhau để giữ ấm. Đôi chân của chúng tôi nhanh chóng trở nên tê liệt. Đôi lúc chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng may thay chúng tôi đã được cứu sống bằng trực thăng” – Hugh kể.
Vào thời điểm may mắn được giải cứu, cả hai vận động viên đều bị tê cóng nghiêm trọng. Các bác sĩ buộc phải cắt cụt từ đoạn dưới đầu gối cả hai chân Herr. Bạn đồng hành Batzer thì bị cắt chân trái và bàn tay phải.
Câu chuyện này của Hugh sau này được kể lại trên series phim truyền hình Mỹ “Who Says I Can't” đã trở thành động lực giúp những người khuyết tật tin vào bản thân mình, khuyến khích họ tham gia vào các môn thể thao.
Trở thành người tạo ra chân giả
Sau phẫu thuật, cho dù sở hữu bộ chân giả đắt tiền nhất, song Herr vẫn chỉ có thể nhúc nhắc di chuyển trong khuôn viên nhà ở. Thất vọng! Chưa đầy 18 tuổi, chàng trai trẻ thậm chí không muốn nghe ai nhắc đến bộ môn thể thao leo núi. Chính các bác sĩ cũng nói rằng, từ bây giờ, ông không thể leo núi được nữa.
Thế nhưng, bất chấp lời nói của bác sĩ, Hugh Herr vẫn tiếp tục theo đuổi sở thích leo núi của mình. Herr đã khóc liên tục 2 năm liền. Tuy nhiên, sang năm thứ 3, Hugh cắn răng và quyết tự mình hóa giải rắc rối thiếu 2 chân. 20 tuổi, Herr tự giam mình trong xưởng mộc của bố, mày mò vẽ bản thiết kế, rồi miệt mài đục, đẽo và sau đó thử nghiệm vài mẫu chân giả bằng gỗ.
Sau đó, để hiện thực hóa giấc mơ, Herr quyết theo học đại học. Đầu tiên, anh tốt nghiệp cử nhân Vật lý - Đại học Millersville. Tiếp theo, hoàn thành luận văn thạc sĩ về kỹ thuật cơ khí tại Viện Công nghệ Massachusetts. Sau đó là tiến sĩ Vật lý Sinh học tại Đại học Harvard danh tiếng. Với ý chí kiên cường và bền bỉ, Hugh Herr một mình tìm các chuyên gia y tế để hợp tác, nghiên cứu và chế tạo ra những đôi chân giả hiện đại và thông minh.
Hiện tại Herr đang là giáo sư phụ trách một nhóm nghiên cứu về điện tử cơ sinh học, kiêm thủ lĩnh chuyên ngành chân tay giả thông minh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Với trung tâm này, ông và các cộng sự đang tập trung phát triển các hệ thống robot có thể đeo theo người với chức năng tăng cường những năng lực thể chất cho người khiếm khuyết.
Hugh khẳng định chân giả tạo nên rất nhiều lợi thế cho người khuyết tật. “Xã hội ngày càng phát triển, những tiến bộ về khoa học kĩ thuật cho phép tạo ra rất nhiều
sản phẩm hữu ích hỗ trợ cho người khuyết tật. Điều khiển một bộ phận giả giống như bạn điều khiển một chiếc xe. Nhờ đó, người khuyết tật sẽ bước đi mà tốn ít năng lượng hơn người bình thường”, Hugh Herr chia sẻ. Thâm tâm Hugh luôn muốn một điều rằng, bằng bất cứ giá nào, ông cũng phải tạo ra đôi chân tay giả vượt trội thông thường. Đôi chân giả do chính ông thiết kế phần bàn chân có những ngón chắc chắn có thể bám chặt vào những gờ đá chỉ rộng bằng đồng xu và sử dụng bàn chân có móc nhọn bằng titanium có thể leo lên những vách núi phủ băng dựng đứng.
Trái với đa số chân/tay giả truyền thống, sản phẩm của Hugh không mô phỏng hình mẫu chân/tay giống như thật. “Hầu hết nhà sản xuất tập trung vào hình thức bên ngoài. Đó là sai lầm lớn. Cần phải làm mới sản phẩm của tạo hóa, thay vì mù quáng sao chép nguyên bản. Trong khi chân/tay giả thông minh với chất liệu titan, thậm chí hoàn toàn không liên tưởng nguyên bản, vẫn có thể rất bắt mắt”, nhà sáng chế lý giải.
Ông chia sẻ thêm rằng, “Mặc dù chân tay giả thông minh đắt hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại truyền thống, song sản phẩm mới ưu việt hơn hẳn. Chi phí lớn nhất của sản phẩm truyền thông không phải là tiền mua sản phẩm mà những liệu pháp và tân dược người sử dụng buộc phải áp dụng để chống chọi với đau đớn do chân tay giả thiết kế tồi. Đó là chưa kể tình trạng người sử dụng phải đi khập khiễng, mệt mỏi kinh niên, khuyết tật tư thế và cuối cùng là mắc bệnh thấp khớp hoặc sự cố cột sống”.
Thành công vang dội
Năm 2014, gần như tất cả người Mỹ đều nhắc đến câu chuyện của nữ nghệ sĩ vũ ballet Haslet-Davis - nạn nhân vụ đánh bom khủng bố trong thời gian diễn ra cuộc thi chạy marathon ngày 15/4/2013 ở Boston. “Tôi không phải là nạn nhân. Tôi đã được GS. Hugh Herr mang lại cuộc sống mới”, nữ nghệ sĩ vũ ballet bị mất bàn chân trong vụ đánh bom khủng bố chân thành chia sẻ.
Adrianne trở lại biểu diễn trên sân khấu, giống như chị chưa từng gặp tai nạn. Tất cả nhờ bàn chân giả công nghệ hiện đại phi thường, sản phẩm do Hugh Herr tạo ra. Đó là bàn chân giả được thiết kế, chế tạo đặc biệt dành cho nghệ sĩ vũ ballet đầu tiên trên thế giới.
Nhóm chuyên gia do ông Hugh Herr chủ trì đã lắp đặt vào sản phẩm hàng chục cảm ứng điện tử thu thập thông tin về hoạt động cơ bắp, xương và dây chằng nữ nghệ sĩ trong thời gian khiêu vũ. Những dữ liệu này sau đó được “tái chế” bởi máy vi tính siêu nhỏ điều khiển chức năng bàn chân giả.
Vượt qua số phận không may mắn, Hugh Herr đã giúp đỡ được nhiều người bởi khả năng chế tạo ra những đôi chân giả hiện đại và thông minh.
Adrianne Haslet-Davis tin chắc, không lâu nữa chị sẽ lấy lại phong độ không thua kém thời gian trước tai nạn. Hiện nữ nghệ sĩ đã trở thành đại sứ của kỹ thuật sinh học và nhân chứng thuyết phục cho triết lý sống “không bao giờ đầu hàng sớm”.
“Khoảng 5 năm nữa, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch cài thiết bị “cấy” với chức năng liên kết hoạt động cơ bắp với sản phẩm chân/tay giả để cải thiện chất lượng phối hợp hoạt động của chúng. Khoảng mươi năm nữa, chúng ta sẽ có thể kết nối chân/tay giả vật liệu titan với hệ thần kinh. Nhờ thế, người sử dụng sẽ có cảm giác cả ở bộ phận chân/tay giả. Và chừng 15 năm nữa, tôi hy vọng sẽ tung ra thị trường thế hệ sản phẩm mới được điều khiển bởi não bộ người sử dụng”, nhà sáng chế Hugh Herr tự tin tuyên bố.
An Yên / Pháp luật bốn phương
Hiện đang online :183
Hôm nay : 860
Trong tuần : 2814
Trong tháng : 63845
Tổng truy cập : 3375497
|
|